Phật giáo Chămpa ( Phần 2)

Version française

phatgiao_champa

 

Sự phát hiện một số lượng lớn các hiện vật của Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là các bức tượng của Avalokitesvara,  một Bồ Tát được phổ biến và  yêu thích nhất trong Phật giáo  Đại Thừa biểu lộ sự thành công của việc du nhập và học thuyết Phật giáo ở Chămpa  và tính nhân từ của các vua chàm.  Nhờ sự trọng đãi đăc biệt của các vua nầy mà Phật giáo vẫn được xem là một tôn giáo thứ hai trãi qua vài thế kỷ núp dưới bóng của Ấn Độ giáo và kiên nhẫn chờ đợi một ngày vinh quang rạng rỡ. Cho đến thế kỷ thứ 8 và 9, sau khi dành được ảnh hưởng ở một số quốc gia như Đế quốc Khơ Me và các vương quốc Crivijaya và Cailendra, Phật giáo Mahāyanà mới phát triển toàn diện phù hợp với sự xuất hiện của dòng dõi cầm quyền Bhrgu  với vua Indravarman II. Cũng trong biên niên sử Trung Hoa  (ví dụ Tân Đường Thư), tên Chiêm Thành mới xuất hiện lần đầu tiên và thay thế  từ đó tên Hoàn Vương mà được liên kết cho đến cuối  với dòng dõi hoàng gia Prathivindravarman ở  phía nam (Kauthara)(Nha Trang).

Sau khi dời  thủ đô về Indrapura (gần Hội An) ở vùng Amaràvati (Quảng Nam và Quảng Ngãi), Indravarman II có thiên hướng cá nhân đặc biệt  đối với Phật giáo Đại Thừa mặc dù tôn giáo Shiva vẫn là  quốc giáo.  Người ta không thể không biết chuyện vua Indravarman II có dịp nhắc lại trong các bản khắc hoàng gia rằng chủ quyền của vương quốc Champa được  đến với ông âu cũng nhờ sự ưu ái duy nhất của định mệnh và nhờ vào những công trạng mà ông có được qua nhiều kiếp trước. Dường như qua giáo lý này, ông có ít nhiều sự gắn bó với giáo lý Phật giáo, đặc biệt là với nhiệm vụ truyền bá Phật pháp, so với bất kỳ vị vua Chàm nào khác vì các  vua Chàm nầy tìm thấy sự cứu rỗi của mình khi kết hợp với thần Shiva. Theo Georges Coedès, ông được  vua Vikrântavarman III  không có hậu thế  nhường  ngôi lại  theo sự  yêu cầu của các nhà học giả uyên thâm ở vương quốc. Những gì làm chúng ta  nhớ đến  ở vị vua này là lòng nhiệt thành đối với Phật giáo,  sự khôn ngoan đáng kinh ngạc, đức tin không lay chuyển của ông đối với Lokesvara (Cứu rỗi của thế gian). Không xa thánh đường Mỹ Sơn, nơi  mà vị thần quốc gia Shiva Bhadresvara cư ngụ, ông dựng lên vào năm 875 tại  thủ đô Indrapura ở địa điểm Đồng Dương một  Phật viện  quan trọng và hiến dâng hoàn toàn cả địa điểm  nầy cho vị thần cá nhân của ông là Laksmindra-Lokesvara. 

vuongtrieu_indrapuraVương triều chàm Indrapura

Trong việc lựa chọn tên của ngôi đền này, chúng ta cũng thấy việc sử dụng thông thường từ nay của các vua  Chàm bằng cách luôn luôn ghép tên của vị thần bảo hộ với tên của vua tài trợ của ngôi đền. Mặc dù  thần Shiva vẫn đựợc thờ kính  nhờ ông có quyền lực  tàn phá và đem lại chiến thắng  vẻ vang  trong việc bảo vệ vương quốc, việc thờ cúng Lokesvara, người đại diện cho một vị Phật hay một vị bồ tát, tiêu biểu không những sự bình an và lòng nhân từ mà còn có sự bảo hộ  vương quốc và cư dân.  Ấn Độ giáo và Phật giáo mặc dù khác nhau ở phương diện triết học có thể cùng nhau tồn tại từ nay ở Chămpa. Theo nhà khảo cổ học người Pháp, ông Henri Parmentier, địa điểm Đồng Dương dường như cũng có luôn nơi ở của nhà vua được nằm tại vùng mà được chỉ định ngày nay dưới tên gọi là « ao vuông ». Có vẻ như có một dòng nước bí mật có thể giao tiếp với một cái giếng nằm cách đó một cây số theo hướng đông của địa điểm. Việc xây dựng công trình này cho thấy ý định canh tân trong việc tập hộp lại các tòa nhà biệt lập  để  thực hiện một kiến ​​trúc hùng vĩ mà  sự hiện diện của ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ là không thể phủ nhận được. Đây là những gì chúng ta tìm thấy trong kế hoạch chung của địa điểm này. Nói về kiến ​​trúc và điêu khắc của địa điểm nầy thì có một số khía cạnh được mượn từ nghệ thuật Trung Hoa ở mức độ hoành tráng và quyền lực trong khi đó trong bố cục của các cảnh lễ nghi và các bảng tường thuật  thì có một sự trung thực không thể chối cãi đối với các quy ước trang trí được tìm thấy ở những ngôi đền ở phía tây nước  Ấn Độ. © Đặng Anh Tuấn

Phật viện này  được xây dựng dọc theo trục đông-tây dài 1300 mét với nhiều tòa nhà bằng gạch được phân bổ trong ba vòng đai liên tiếp, mỗi tòa nhà có một lối vào và được bảo vệ bởi một vị thần bằng đá mặt mày dị họm và đáng sợ (Dvàrapàla). Theo sự  mô tả của Henri Parmentier,  chính ở nửa vòng đai phía tây đầu tiên mà  ông đã tìm thấy vào năm 1905 một  chính điện quan trọng nhất (1) có lẽ là nơi mà nhà vua  Indravarman II dành riêng vào năm 875 để thờ bức tượng của Laksmindra-Lokesvara.Chính điện này có ở phiá trước một tòa tháp được  cho ánh sáng vào bốn phía (tháp sáng) và được bao chung quanh bởi 9 đền thờ được phân bổ theo sự xếp đặt có trật tự. Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, kiệt tác vĩ đại của nghệ thuật đồ đồng mà một người nông dân đã  luợm được tình cờ vào năm 1978 trong khi cố nhặt  vài viên gạch từ đống đổ nát gần vòng đai đầu tiên và thường được gọi là bồ tát Tara, không ai khác chính là bức tượng của Laksmindra-Lokesvara (Quan Âm chuẩn đề). Đây  là Quán Thế Âm Bồ Tát bởi vì trong hai bàn tay tìm thấy có một bông sen và một con ốc  ở thời điểm phát hiện.

[Phật giáo Chămpa: Phần ba]

Laisser un commentaire

Votre adresse e-mail ne sera pas publiée. Les champs obligatoires sont indiqués avec *

Ce site utilise Akismet pour réduire les indésirables. En savoir plus sur comment les données de vos commentaires sont utilisées.