Vương triều chàm Indrapura
Hình vẻ bệ đá sa thạch ở trong chính điện của Henri Parmentier
so sánh với những gì được thấy ngày nay ở viện bảo tàng điêu khắc Chămpa ở Đà Nẵng
Thật không may vì một lý do nào không được rõ, đóa sen và con ốc đặc biệt của pho tượng bị gãy lúc khai quật và bị tịch thu bởi ủy ban nhân dân Bình Định mà Phật viện Đồng Dương bị lệ thuộc hiện nay. Đến giờ phút nầy, các hiện vật nầy cũng vẫn chưa được trở về lại với bảo tàng điêu khắc ở Đà Nẵng mặc dù pho tượng đồng nầy đã được trưng bày cho công chúng xem đã có mấy năm rồi. Đây là lý do tại sao pho tượng đồng vẫn còn tiếp tục là chủ đề của nhiều cuộc tham luận nhất về mặt tiểu tượng học (iconographie). Dựa vào các thông tin được cung cấp qua hình ảnh trong một cuộc nghiên cứu sâu sắc vào năm 1984, Jean Boisselier đã nghĩ đến bồ tát Tara. Ông dựa vào các tượng thần Đại Hữu, việc pháp điển hóa các cử chỉ của thần linh (Mudra), cấp bậc chư thần trong đền Phật giáo, cách trang trí trên pho tượng (Nànàlankàravati), sự quan trọng ở cái nhìn và sự hiện diện của con mắt thứ ba để mà xác định được vị thần linh nầy. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam nhận thấy ở pho tượng này là phu nhân Laksmi của Vishnu vì một trong hai hiện vật đặc biệt được tìm thấy là con ốc. Đối với nhà nghiên cứu Việt Ngô văn Doanh thì không còn sự nghi vấn nào nửa. Đây là Laksmindra-Lokesvara vì mỗi hiện vật có một ý nghĩa đặc biệt. Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp và sự tinh khiết. Còn con ốc, nó tượng trưng cho sự truyền bá giáo lý của Đức Phật và sự thức tỉnh sau giấc ngủ vô minh. Đây cũng là giả thuyết được các nhà nghiên cứu Việt Nam chấp nhận trước đây. Theo chuyên gia nghiên cứu người Thái Nanda Chutiwongs, pho đồng tuyệt đẹp này được gọi là Prajnàpàramità (Trí Độ/Trí Huệ Bát Nhã)(Sự hoàn hảo của trí tuệ). Nhưng không vì thế mà làm mất đi niềm tin của các nhà khảo cứu như Jean Boisselier vì ông lúc nào cũng tiếp tục nhận thấy ở pho tương đồng đặc biệt nầy là bồ tát Tara vì ngài có một bộ ngực nặng nề nhất. Đấy là một trong những đặc điểm nổi bật ở thời niên thiếu của ngài. Ngài vẫn là phối ngẫu của Bồ tát Quán Thế Âm.
Gần đây, trong hôi nghị thông báo khảo cổ học năm 2019 tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh có xác định lại danh hiệu của pho tượng đồng nầy là Tara dựa trên hình tượng Phật nhỏ trang trí trên tóc của pho tượng, hai pháp khí (đóa sen và con ốc) ở trong tay cùng cử chỉ của bàn tay. Theo các nhà nghiên cứu Việt nầy , Tara là biến thân nữ của Amoghasiddhi, người kế thừa từ đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni trong Phật giáo Mật Tông (Tây Tạng). Ngài thường ngồi dưới tán dưới tán rắn bảy đầu Mucalinda được gọi là Bất Không Thành Tựu Phật. Trong tiểu tượng học, ngài thường cầm một thanh kiếm ở tay trái và tay phải thủ ấn Vô Úy Thí (Abhayamudra) khi lúc tĩnh tọa. Bởi vậy trên tóc của pho tượng đồng nầy có một hình tượng Phật nhỏ trang trí đúng như những gì miêu tà. Hơn nửa pho tượng bồ tát nầy mang sắc thân màu xanh lục đúng là sắc thân của vị Phật Amoghasiddhi. Nếu đoá sen tiêu biểu cho sự tinh khiết thì hai hình tượng con ốc và cử chỉ cũa bàn tay dưới con ốc xem như là chuyển pháp luân thủ ấn (dharmacakra mudra) cả hai đều tượng trưng cho sự truyền bá Phật pháp. Theo các nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh, Vân Nam là cửa ngõ chuyển giao tôn giáo và nghệ thuật Tây Tạng đến khắp vùng Đông Nam Á thông qua con đường « Trà Mã Cổ Đạo » mà còn là nơi mà Phật giáo Mật Tông được sùng bái nhất từ dân đến vua và nơì có sản xuất nhiều tượng bồ tát Lokesvara và Tara bằng đồng cho Đông Nam Á từ thế kỷ thứ 7 hay 8 trở đi. Bởi vậy chuyên sùng bái bồ tát Tara hay Lokesvara ở Chămpa cũng không ngoài lê. Cho đến nay chưa có sự xuất hiện của hình tượng Lokesvara nào ở Đồng Dương nhất là ở Phật viện vì chính ở nơi nầy vua Indravarman II dựng lên một đền để thờ Lokesvara, một vị Phật bảo hộ ngài và còn dùng tên riêng của ngài ghép cùng tên bồ tát-Lokesvara để đăt tên cho Phật viện nầy với cái tên là Laksmindra-Lokesvara. Bởi vậy không thể nào không có pho tượng Lokesvara ở Phật viện. Đây là một nghi vấn mà chưa có sự giải đáp nào cả. Theo nhà khảo cứu Trần Kỳ Phương có thể pho tượng Lokesvara cũng đúc băng kim loại như pho tương Tara và được thờ song song với pho tượng nầy. Có lẽ sau cuộc khai quang, pho tượng nầy được dời đi nơi khác hay là vẫn được chôn ở dưới lòng đất vì chiến tranh.
Bồ Tát Tara
Trong vòng đai thứ hai có một phòng chờ đợi (hoặc mandapa) mà Henri Parmentier gọi là « căn phòng có cửa sổ » khi ông mô tả nơi nầy. Sau đó, trong vòng đai thứ ba có một căn phòng dài khoảng ba mươi mét. Đây có lẽ là phòng cầu nguyện của các nhà sư (vihara) nơi mà có uy nghi tượng đài Đức Phật được đặt trên bàn thờ thứ hai được trang trí phù điêu và được bao quanh bởi hai tu sĩ cầu lễ có vầng hào quang quanh đầu. Địa điểm Phật giáo này đã được chính quyền Việt Nam công nhận là di sản quốc gia của đất nước vào tháng 5 năm 2001. Sự hủy diệt mù quáng do việc thả bom của Mỹ gây ra trong những năm chiến tranh chỉ để lại cho địa điểm này một tòa tháp gopura nguyên vẹn độc đáo mà dân cư địa phương chỉ định với danh từ « Tháp sáng » vì nó cho phép ánh sáng đi vào từ bốn phương. Mặc dù vậy, địa điểm này vẫn tiếp tục làm sống lại một quá khứ huy hoàng của tu viện rộng lớn nầy, đã từng là một trong những trung tâm trí tuệ tôn giáo nổi tiếng ở Đông Nam Á.
Chính tại đây, sau chiến thắng vẻ vang ở Champa vào năm 985, vua Việt Lê Đại Hành (hay Lê Hoàn) đã mang về Việt Nam một tu sĩ tôn giáo Ấn Độ (Thiên Trúc) đang cư ngụ tại tu viện này. Năm 1069, vị vua vĩ đại của Việt Nam Lý Thánh Tôn đã bắt được một nhà sư nổi tiếng của Trung Hoa Thảo Đường đang ở đó sau khi chiến thắng Chămpa. Nhưng cũng chính tại đây, vào năm 1301, vị vua sáng lập trường phái Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam, Trần Nhân Tôn đã đến cùng với một thầy tu Đại Việt và được tiếp đón nồng hậu bởi vua Chàm tài ba Chế Mân (hay Jaya Simhavarman), người chồng tương lai của Công chúa Huyền Trân. Ngài dành 9 tháng để thiền định tại trung tâm Phật giáo này.
Đối với nhà nghiên cứu người Pháp Jean Boisselier, điêu khắc chàm luôn luôn gắn bó với lịch sử. Những thay đổi quan trọng đã được ghi nhận trong quá trình phát triển điêu khắc chàm, đặc biệt là các bức tượng với các sự kiện lịch sử, sự thay thế các triều đại hay các mối quan hệ mà Chămpa có với các nước láng giềng (Việt Nam hoặc Cao Miên). Bởi vậy chúng ta không thể không biết rằng sự thay đổi triều đại thúc đẩy một động lực sáng tạo mới trong sự phát triển của điêu khắc chàm được minh họa qua một phong cách đặc biệt mới mà ngày nay chúng ta thường gọi dưới danh từ « Đồng Dương« .
© Đặng Anh Tuấn
Đây là phong cách mà các nhà điêu khắc chú ý đến nhiều về khuôn mặt, diện mạo rất điển hình. Những nét chung thường thấy ở phong cách nầy như sau: hàng long mầy lồi lên thường nối liền bỡi một đường dài, quằn quẹo và đi lên đụng tóc, môi dày với mép vểnh lên, môi trên thường được tô điểm bằng một bộ râu lớn quăn lên và lỗ mũi tẹt, nở ra bề mặt và khoằm khi nhìn nghiên, trán hẹp và cằm cụt. Các thần thánh thường có con mắt ngay giữa trán. Không bao giờ có nụ cười ở trên khuôn mặt. Phong cách này tiếp tục phát triển cùng với Phật giáo mahàyàna ở các vùng khác của Champa dưới thời trị vì của những người kế vị trực tiếp của vua Phật giáo Indravarman II. Họ kiên trì tôn thờ đặc biệt Quán Thế Âm và chấp nhận Phật giáo là quốc giáo.
Đây là những gì chúng ta học được từ các văn khắc của hoàng gia. Đây là trường hợp của đền thờ Ratna-Lokesvara được cháu trai của vua Indravarman II, vua Jaya Simhavarman I, bảo trợ. Khu bảo tồn này nằm ở Đại Hữu ở vùng Quảng Bình. Tại nơi linh thiêng này, một số lượng lớn của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo đã được khai quật. Sau đó, xung quanh Mỹ Đức ở cùng tỉnh Quảng Bình, chúng ta phát hiện ra một khu vực Phật giáo có những điểm tương đồng giống như ở Đại Hữu và Đồng Dương về mặt kiến trúc và trang trí. Phật giáo cũng được thấy ở Phong Nha. Ở nơi nầy, một số hang động được sử dụng làm nơi thờ cúng và vẫn giữ được dấu ấn của Phật giáo theo những năm qua. Cuối cùng, có một ngôi đền dành riêng cho thần linh Mahïndra-Lokesvarà đã được dựng lên vào năm 1914 tại Kon Klor (Kontum) bởi một vị thủ lĩnh tên là Mahïndravarman. Thậm chí, có hai cuộc hành hương được tổ chức bởi một vị chức sắc cao theo lệnh của vua Yàvadvipapura (Chà Và) với mục đích thông hiểu sâu sắc kiến thức thần bí (Siddhayatra), được báo cáo lại bởi những văn bản của Nhan Biểu vào năm 911 sau Công Nguyên.
Vương triều chàm Indrapura
Tượng Phật, Thăng Bình, Quảng Nam
854-898 Indravarman II (Dịch-lợi Nhân-đà-la-bạt-ma)
898-903 Jaya Simharvarman I (Xà-da Tăng-gia-bạt-ma)
905-910 Bhadravarman III (Xà-da Ha-la-bạt-ma)
910-960 Indravarman III (Xà-da Nhân-đức-man)
960-971 Jaya Indravarman I (Dịch-lợi Nhân-di-bàn)
971-982 Paramesvara Varman I (Dịch-lợi Bế- Mĩ Thuế)
982-986 Indravarman IV (Dịch-lợi Nhân-đà-la-bạt-ma)
986-988 Lưu Kế Tông
989-997 Vijaya shri Harivarman II (Dịch-lợi Băng-vương-la)
997-1007 Yan Pu Ku Vijaya Shri (Thất-ly Bì-xà-da-bạt-ma)
1007-1010 Harivarman III (Dịch-lợi Ha-lê-bạt-ma)
1010-1018 Paramesvara Varman II (Thi Nặc Bài Ma Diệp)
1020-1030 Vikranta Varman II (Thi Nặc Bài Ma Diệp)
1030-1044 Jaya Simhavarman II (Sạ Đẩu)
Lòng tin vào Phật giáo này bắt đầu bị lay chuyển nghiêm trọng trước sự xâm lăng của các người dân phương Bắc (Việt Nam) vừa được giải thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa. Những người này, dưới sự lãnh đạo của vua mới Lê Đại Hành đã không ngần ngại cướp phá thủ đô Indrapura vào năm 982 sau khi vua chàm Parameçvaravarman I (Ba Mĩ Thuế) vụng về cầm giữ lại hai vị sứ giả Việt Nam Từ Mục và Ngô Tử Cảnh và công khai ủng hộ Ngô Tiên, con trai của tướng Ngô Quyền người giải phóng dân tộc Việt Nam trong cuộc tranh dành quyền lực. Phật giáo Đại thừa không giúp các vị vua Chàm tìm thấy được mọi thứ họ cần có trong cuộc chiến chống lại quân thù Việt Nam. Họ bắt đầu nghi ngờ triết lý của Phật giáo này khi tôn giáo nầy không còn thuyết phục được người dân địa phương nửa.
Phật giáo vẫn tiếp tục là một tôn giáo ưa thích của giới thượng lưu và các vị vua Chàm. Những vị vua nầy cần có được sự cứu rỗi trong việc thờ phụng vị thần hủy diệt Shiva nhầm bảo vệ chiến thắng và giúp họ chống lại những kẻ xâm lược nước ngoài (Trung Quốc, Môn Khmer và Việt Nam) để mong có thể duy trì và bảo đảm đất nước họ được tồn tại lâu dài.
Sự hiếu chiến vĩnh cửu của dân tộc Chàm, có lẽ từ ảnh hưởng của đạo Shiva, trở thành một lý lẽ quan trọng và đem lại một biện minh chính đáng cho người Trung Hoa, sau đó đến người Việt Nam, để họ có dịp thực hiện các cuộc can thiệp quân sự và thôn tính dần dần các lãnh thổ của dân tộc Chàm trong cuộc Nam Tiến.
[Trở về trang Phật giáo Chămpa]
Tài liệu tham khảo
Du khảo Văn Hoá Chăm – Pérégrinations culturelles au Chămpa (Nguyễn văn Kự- Ngô văn Doanh- Andrew Hardy) Ecole française d’Extrême Orient
L’art du Chămpa Jean François Hubert
Boisselier, Jean (1984). ‘Un bronze de Tara du Musee de Đà-Nẵng et son importance pour l’histoire de l’art du Champa’. Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (BEFEO), 73(1984):319-38.
Chuttiwongs, Nandana (2005). ‘Le Bouddhism du Champa.’ Trésors d’art du Vietnam: La Sculpture du Champa, V-XV siècle (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zéphir), Page 65-87. Paris: Musée Guimet.
Ngô Văn Doanh (1980). ‘Về pho tượng đồng phát hiện năm 1978 tại Đồng Dương (Quảng Nam-Đà Nẵng)’. Những Phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1979, trang 195-96. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.