Nam Tiến ( La marche vers le Sud)


Version française

Nam Tiến: sự kết thúc nước Chiêm Thành.

Theo học giã Thái Văn Kiểm, cuộc nam tiến trường kỳ của dân tộc ta là một sự kiện lịch sử hiển nhiên mà các sử gia chân chính ngoại quốc phải công nhận và cũng là một nguồn hãnh diện lớn cho dân tộc ta.Trong ba nghìn năm hơn, dân tộc Việt đã vượt hơn năm nghìn cây số tức là 1700 thước mỗi năm hay là 5 thước mỗi ngày. Tốc độ nầy còn thua con rùa ốc. Điều nầy chứng tỏ dân tộc ta gặp biết bao chướng ngại mà còn đôi khi phải dừng chân lùi bước trong cuộc Nam Tiến. Ca dao nầy nói lên phần nào cái lo lắng, cái sợ hải của dân ta trong cuộc hành trình nầy:

Đến đây đất nước lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng lo.

Sau khi giải phóng dân tộc Việt ra khỏi ách thống trị của Trung Quốc gần có một ngàn năm và khi biết rằng ở thời điểm nầy dân số ta chỉ lên đến khoảng một triệu người trong khi đó nước Trung Quốc khổng lồ ước tính có hơn 56 triệu người thì mới thấy tài ba của Ngô Quyền thật là vô song nhưng rủi thay ngài chỉ cai trị được 5 năm. Sau đó đến thời kỳ loạn lạc đất nước với thập nhị sứ quân nhưng may thay cũng nhờ có một vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ Ninh Bình mới thành công dẹp được các sứ quân, thống nhất lại đất nước và lập ra triều đại nhà Đinh. Trong thời kỳ nầy, đất nước ta mới được tự chủ nên chỉ nằm vỏn vẹn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng và các đồng bằng nhỏ ven ở  bờ biển Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An). Ở phiá bắc khó mà bành trướng vì có một nước Trung Hoa lại dân số quá đông, lúc nào cũng dòm ngó và có ý định xâm chiếm đất nước ta dù dưới triều đại nào đi nửa. Ở phiá tây thì có dãy núi Trường Sơn hiểm trở khó mà vượt qua còn ở phiá đông thì có Đông Hải (hay Biển Đông) mà Nguyễn Trãi đã từng nhắc lại trong Bình Ngô Đại Cáo như sau:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

để ám chỉ quân nhà Minh tàn ác xâm lược đất nước ta trong mười năm mà cả biển Đông còn không rửa sạch tội chúng.  Một áp lực mà dân tộc ta lúc nào cũng phải chịu đựng trong suốt cuộc hành trình dựng nước. Chỉ còn ở phiá Nam là hướng đi duy nhất để dân tộc ta có thể mở mang bờ cỏi, tránh được sự diệt vong và giữ được nền độc lập dân tộc nhất là tổ tiên ta là một bộ tộc duy nhất trong đại tộc Bách Việt mà không bị đồng hoá bởi người Trung Hoa từ thời Tần Thủy Hoàng. Tuy thế ở thời điểm nầy dân tộc ta được có hai lợi thế trong cuộc nam tiến: một là phải cần một nhà lãnh đạo có đầu óc chiến lược và tài ba để ngăn chặn quân xâm lược Tàu ở phương bắc hai là phải có lý do chính đáng để lôi kéo quần chúng gia nhập vào cuộc viễn chinh ở phương nam. Nơi nầy  có nước Lâm Ấp (được gọi là Chiêm Thành về sau), dành được độc lập với Trung Quốc ở Nhật Nam vào năm 192, hay thường khuấy rối đất nước ta. Nước nầy có một vị trí quan trọng ở trên con đường biển xuyên châu Á khiến có nhiều người thèm muốn (Manguin 1979:269). Lấy được Chiêm Thành thì có thể xem là khống chế được cả đường biển và cả tàu bè đi qua (Manguin 1981:259). Ngày nay vẫn còn là một vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thên thế giới.

Đại Việt là một nước vừa mới có vua đầu tiên cai trị thì đã bị kèm kẹp ở giữa Trung Hoa và Lâm Ấp. Hai nước nầy còn cấu kết với nhau lúc đầu nhầm tiêu diệt nước ta. Được xem là một vị vua hiếu chiến và có tầm nhìn chiến lược,  vua Lê Đại Hành (hay Lê Hoàn) có được hai lợi thế nầy. Ngài đã đánh bại quân Tống của Hầu Nhân Bảo vào năm 981 ở Chi Lăng (Lạng Sơn) và thành công trừng phạt Chiêm Thành qua cuộc viễn chinh trong vòng một năm  để đánh đuổi người Chàm ra khỏi tỉnh Amaravati (Quảng Ngãi) sau khi vua chàm Bề Mi Thuế không khôn khéo bắt giam sứ giả Đại Việt Từ MụcNgô Tử Canh mà ngài gửi sang Lâm Ấp để hoà hiếu. Ngài phá hủy thủ đô Indrapura (Quảng Nam) và thánh địa vào năm 982 bằng cách giết chết vua chàm Bề Mi Thuế (Paramec Varavarman). Sau đó ngài còn giao quyền kiểm soát lại cho quản giáp Lưu Kế Tông ở lại để chiếm giữ Indrapura và phiá bắc nước Lâm Ấp trước khi trở về kinh đô. Qua sự việc nầy thì thấy rõ ít nhiều ý đồ của Lê Đại Hành trong việc bành trướng lãnh thổ nhưng có lẽ sợ nhà Tống khiển trách lúc đó nên không tỏ ra ý đồ của mình.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Lưu Kế Tông trốn ở lại Chiêm Thành đến đây vua Lê Đại Hành có  sai con nuôi (mà không biết tên) đi bắt được Lưu Kế Tông rồi đem chém năm 983. Thế mà trong Tống sử thì chép Lưu Kế Tông có làm vua Lâm Ấp ba năm sau, từ năm 986 đến 989 và có gửi sứ bộ qua Tống triều cầu phong. Như vậy cho thấy có gì không ổn trong sử ta. Có thể giải thích là Lưu Kế Tông được chỉ định ở lại để thi hành một nhiệm vụ chiếm giữ mà vua Lê Đại Hành giao thác nhưng khi Lưu Kế Tông có được vây cánh vững mạnh thì tự lập mình làm vua mà quên đi nghĩa vụ. Nhưng sau đó nhờ  thế lực trùng hưng của người Chàm mỗi ngày càng mạnh, vua Harivarman IIVijaya (Chà  Bàn, Bình Định) đánh bại được Lưu Kế Tông lấy lại tỉnh Amaravati và trở lại đống đô ở Indrapura. Còn Lưu Kế Tông thì theo nhà khảo cứu Pháp Georges Cœdès thì qua đời không nghe nói đến nửa. Dù có sự tăng cường cướp bóc theo đường biên giới phía bắc, nước Lâm Ấp (Champa) không ngừng phải chịu đựng sức ép càng ngày của nước láng giềng An Nam chúng ta. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì Tàu vẫn phong vua ta làm Giao Chỉ quận vương, vẫn xem nước ta là nước Giao Chỉ của một thời đô hộ. Chỉ dưới thời vua Lý Anh Tôn thì vua ta mới được phong với chức là An Nam quốc vương. Từ đó nước ta mới có tên là An Nam.

Dưới triều đại nhà Lý, viện lý do nước Lâm Ấp không cống nạp suốt 16 năm, vua Lý Thái Tông buộc lòng phải ngự giá đi đánh Chiêm Thành năm 1044. Quân địch thua to. Tướng Chàm Quách Gia Di chém quốc vương Sạ Đẩu (Jaya Simhavarman II), vua cuối cùng của triều đại Chămpa Indrapura và đem đầu xin hàng. Đến năm 1069, vua Lý Thánh Tông dựa một lý do bỏ cống liên tục 4 năm của Chiêm Thành, thân chinh mang 10 vạn quân đi đánh Chiêm Thành và  và bắt được vua chàm trên đất Cao Miên  bấy giờ là Chế Củ (Jaya Rudravarman III) mang về kinh đô Thăng Long.  Để mua chuộc lại tự do và được trở về nước, Chế Củ đề nghị đổi lại 3 tỉnh phía bắc của Champa gần tương đương với hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (Georges Cœdès:248). Có thể nói từ đây nước Đại Việt mới bắt đầu mở rộng  thêm vùng đất mới và cho người sang ở thật sự dưới triều đại của vua Lý Nhân Tôn sau khi ở Nghệ An, có Lý Giác làm phản và xúi giục quốc vương chàm Chế Ma Na (Jaya Indravarman II) cướp lại 3 tỉnh nhưng sau đó thua chạy bởi danh tướng Lý Thường Kiệt  đành xin trả lại ba tỉnh như cũ. Dưới  triều đại của Lý Thần Tông, theo học giã Henri Maspero thì nước ta bị vua hiếu chiến Sûryavarman II  của nước Chân Lạp,  hay thường lôi kéo nước Chămpa bằng cách dụ dỗ hoặc cưởng bức để khuấy rối nước ta không ngừng ở vùng Nghệ An và Thanh Hóa. Nhưng sau đó hai nước trở thành thù địch nên có một cuộc chiến tranh tàn khốc  kéo dài gần có một trăm năm khiến hai nước suy yếu trước một nước An Nam hùng mạnh từ đầu thế  kỷ 13  với  một vương triều mới là nhà Trần.  Cũng là lúc ở toàn bộ khu vực Âu-Á có cuộc xâm lược của người Mông Cổ mà cũng là lúc hai nước láng giềng An Nam và Chiêm Thành có quan hệ tốt và cũng là lúc Chiêm Thành được ổn định hoà bình trong nước với vua Indravarman V (1265-1285). Chính nhờ thế mới có sự liên kết hai dân tộc Việt và Chàm vào chung một trận tuyến, cùng nhau chống lại một kẻ thù chung là đế quốc Nguyên Mông Cổ của Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan), cùng nhau có được những kỳ tích hiển hách và ý nghĩa lịch sử không những với dân tộc mình mà còn luôn cả  khu vực Đông Nam Á. Chính nhờ thế hai dân tộc mới thắng được đế quốc Mông Cổ. Để  củng cố quan hệ đồng minh hoà thuận giữa hai dân tộc mà cho đến giờ không có, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông có đến viếng thăm vương quốc Chiêm Thành chín tháng với tư cách là giáo chủ của phái Thiền tông Đại Việt vào tháng 11 năm 1301. Qua chuyến vân du nầy, ngài có hứa gã con gái của ngài là Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) khi Huyền Trân mới vừa 14 tuổi và Chế Mân thì đã cao tuổi. Dù ngài đã khoát áo cà sa nhưng ngài vẫn là Thái Thượng Hoàng của Đại Việt nên ngài lúc nào cũng có cái nhìn sâu xa trông rộng cho đất nước và nhận thấy Đại Việt cần có một vùng đất làm căn cứ ở phương nam khi có hữu sự nhất là ngài đã  biết rõ dã tâm của người phương Bắc và ngài  đã thành công hai lần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (1285 và 1287-1288). Ngược lại, Chế Mân, một vị vua anh hùng của dân tộc Chàm vì lý do gì mà dâng hai châu Ô-Lý để làm sính vật và trở thành tội đồ với dân tộc mình? Như vậy Champa quá thiệt thòi mà Đại Việt thì quá lợi  phải không? Có lẽ là vùng đất khô cằn  mà Chế Mân cảm thấy không thể làm chủ được nữa từ lâu vì Quảng Trị thì đầy cát, Thừa Thiên Huế thì đầy đồi núi và cũng là vùng không không có đồng bằng lớn (Hồ Trung Tú:283). Vã lại đây chỉ là việc hợp thức hóa một vùng đất mà Chiêm Thành không còn khả năng quản lý được nữa từ khi Chế Củ xin dân ba châu để được tha trở về đã có 236 năm rồi. Việc Huyền Trân (Perle de Jais)  lấy Chế Mân năm năm sau (1306) với sính lễ là hai châu Ô – Lý vuông ngàn dậm  (nay là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) chắc chắn phải là một sự tính toán để giữ hoà hiếu và mang tính chiến lược giữa hai triều đình Đại Việt – Champa. Nhờ thế cương vực của Đại Việt được mỡ rộng tới bắc sông Thu Bồn mà cũng nhờ vậy mà Chiêm Thành mới có thể giữ được vững vùng đất còn lại cho con cháu đời sau qua cuộc hôn nhân nầy.

Qua  lăng kính của người đời sau nầy thì Huyền Trân công chúa là người phụ nữ  được thán phục trong tâm thức của bao thế hệ người dân Việt  và được nhắc nhở nhiều không ít  trong cuộc nam tiến nầy qua tình sử và  số phận của bà. Sau một năm cưới hỏi thì  vua Chế Mân qua đời (1307). Chỉ có vua Chế Mân và Trúc Lâm đại sĩ (hay thái thượng hoàng Trần Nhân Tông) mới thấu hiểu được cái lý lẽ của cuộc hôn nhân nầy nhưng hai ngài qua đời cách nhau một năm liền.  Từ đó, món quà sính lễ nầy  trở thành mối  bất hoà giữa hai nước và dẫn đến các cuộc chiến tranh liên tục mà Đại Việt vẫn là nước dành được nhiều thắng lợi. Nhờ áp lực dân số và chính sách di dân dưới triều nhà Hồ nên những vùng đất được nhường bởi Chiêm Thành trở thành những vùng  độc lập và tự trị qua cách tổ  chức làng xã (Phép vua còn thua lệ làng) khiến Chiêm Thành khó mà thu phục lại được về sau. Chỉ có một lần nữa, sau thế kỷ XIV nầy thì Chiêm Thành phát triển « cực mạnh » và đẩy các cuộc giao chiến đến tận Thanh Hóa. Đấy là thời kỳ xuất hiện một nhân vật mà Minh sử gọi là Ngo-ta-ngo-tcho mà còn lưu truyền ở trong lịch sử của người Chàm với cái tên Binasuor (hay Chế Bồng Nga). Chính thời kỳ nầy từ 1361 đến 1390, dựa nhà Trần suy yếu và được nhà Minh bên Tàu  phong làm Chiêm Thành quốc vương, Chế Bồng Nga đánh ra Bắc 5 lần mà có 4 lần kéo quân thẳng  vào Thăng Long. Do sự phản bội của một tên tiểu thần của Chế Bồng Nga tên là Ba-lậu-kê mà tướng Trần Khát Chân nhà Trần mới tìm ra được thuyền chở Chế Bồng Nga và sai các súng bắn vào thuyền khiến Chế Bồng Nga trúng đạn mà chết. Theo G. Maspero thì thời Chế Bồng Nga là thời kỳ cực thịnh nhưng theo G. Cœdès thì cụm từ nầy hoàn toàn không chính xác mà phải so sánh  những chiến thắng quân sự của Chế Bồng Nga với tia sáng màu xanh lúc mặt trời lặn (Ngô văn Doanh: 126 hay G. Cœdes: 405). Môt  tướng lĩnh chàm mà trong lịch sử Việt gọi là La Khải mà người chàm ghi là Jaya Simhavarman lên nối ngôi sau khi loại trừ được những người con của Chế Bồng Nga. La Khải từ bỏ toàn vùng đất chàm nằm ở phía bắc đèo Hải Vân tức là những tỉnh hiện nay Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Để tránh một cuộc chiến tranh mới với Đại Việt ngài nhường tỉnh Indrapura của Chiêm Thành vào năm 1402 tương ứng với tỉnh Quảng Nam hiện nay, nơi mà có thánh địa Mỹ Sơn nhưng ngài thu phục lại sau đó vào năm 1407 khi nhà Minh lấy cớ diệt trừ vương triều Hồ soán ngôi mà  thôn tính trọn cả An nam và tìm kiếm kẻ có tài có đức mang về Tàu để trọng dụng và sai khiến trong đó có Nguyễn An (Ruan An), một hoạn quan kiến trúc sư người Việt được ủy thác công việc thiết kế Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi. Sau 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua vào năm 1428 và sáng lập triều đại nhà Hậu Lê,  thiết lập lại quan hệ hoà bình với triều đình nhà Minh  và Chiêm Thành của  con của La Khải tên là  Virabhadravarman  mà biên sử An Nam gọi là Ba Dich Lai  (Indravarman VI). Theo G. Cœdès, sau khi vương triều nầy chấm dứt thì Champa nhanh chóng lâm vào tình trạng suy thoái có  đến 5 nhà vua kế tiếp trong vòng 30 năm do những cuộc nội chiến tranh giành quyền hành. Vào thời điểm nầy thì ờ An Nam lại có vị vua văn võ  song toàn tên là Lê Thánh Tôn trong Việt sử. Chính ngài sai Ngô Sĩ Liên làm bộ Đại Việt sử ký. Ngài còn sai quan làm lại quyển đia dư nước ta mà cũng chính ngài cho người lẻn  sang Chiêm Thành vẽ địa đồ nước Chiêm Thành để biết những nơi hiểm trở mà tiến binh đánh lấy kinh thành Đồ Bàn (Vijaya) ở Chà Bàn (Bình Định) vào năm 1471 và bắt được vua  Trà Toàn (Maha Sajan) dẫn về Đại Việt cùng 30.000 tù binh.  Việc chiếm được kinh thành Đồ Bàn (Vijaya) nầy có thể so sánh với sự sụp đổ Constantinople (1453) cùng thời, bởi người Thổ Nhĩ Kỳ (Népote 1993:12). Sau đó vua nhà Minh  có sai sứ bảo ngài phải trả đất  Bình Định lại cho Chiêm Thành nhưng ngài không chịu. Nhưng vua Minh cũng đành bỏ qua vì thanh thế nước Nam ta đang lừng lẫy khiến các nước lân cận như Ai Lao và các mường ở phương tây đều phải triều cống. Từ đó, nước Champa còn thu hẹp lại chỉ  còn ở vùng đất nằm ở phiá nam mũi Varella (Đại Lãnh)(Phú Yên) và không còn gây nổi lo âu nữa trong cuộc nam tiến của người dân Việt.  Còn dân tộc chàm thì bị phân tán ra nhiều nhóm di tản qua đường biển và đường bộ: một nhóm thì trốn sang Cao Miên tỵ nạn được vua Cao Miên Jayajettha III (Ang Sur) cho tá túc  ở Oudong, Chrui Changvar  và Prêk Pra gần thủ đô Nam Vang và ở tỉnh Kompong Cham, một nhóm thì sang đến tận đảo Hải Nam (Thurgood 1999:227) và Malacca và còn lại phần lớn thì phải ẩn náu ở vùng Panduranga, nơi còn thuộc về Champa hay phải chịu ở lại sinh sống với người dân Việt trên vùng đất bị thôn tính. Từ đây có những làng Việt-Chàm ở cạnh bên nhau kéo dài nhiều trăm năm, không biết ai là người đồng hóa ai là người tiếp thu nhất là có cuộc va chạm và giao hoà giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Quốc. Lịch sử loài người đã bao lần chứng minh một nền văn minh cao hơn hay thường có ít nhiều tác động làm biến đổi nền văn minh kém hơn. Cũng như La Mã mạnh hơn khi xâm lược phải chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp hay Mông Cổ, Mãn Thanh cũng vậy khi chiếm được Trung Hoa cũng bị đồng hoá bởi nước nầy. 

Đại Việt nước ta cũng không ngoài lệ. Hay thường khinh khi miệt thị người Chàm hay Man,  Đại Việt chúng ta có được tiếp thu cái gì không?. Đại Việt được tiếp thu nhiều thứ lắm nhất là  có mang nhiều yếu tố Chiêm Thành trong âm nhạc cung đình như Chiêm Thành Âm hay trống cơm (Thái văn Kiểm 1964: 65) hay là về sau  với các « Điệu Nam (Airs  des Méridionaux)   qua các lời than khóc buồn bã  vô tận của dân tộc Chàm như  Hà Giang Nam Ai Giang Nam, Nam Thương vân vân … và nghệ thuật  điêu khắc dưới hai triều Lý và Trần. Có một thời người dân Việt sống chịu ảnh hưởng phương nam để tạo ra những hiện vật như đầu rồng thời  Lý Trần  tựa như đầu rồng makara  hay  con vịt xiêm (con ngan), ngỗng thần Hamsa  của Champa chẳng hạn được tìm thấy trong hoàng thành Thăng Long từ mái ngói, đầu hồi đến hoa văn trên chén bát (Hồ Trung Tú:264). Còn người Chàm họ không hẵn hoàn toàn bị đồng hóa liền  vì họ chỉ  từ bỏ tiếng mẹ đẻ để nói tiếng Việt nầy trên quê hương của họ, phải có họ tên như người Việt dưới thời vua Minh Mạng chớ những họ mà họ có đó trong sử  là những họ  của vua  hay hoàng thân quốc thích theo tác giả Phú Trạm trên tờ báo Tia Sáng (ngày 2/10/2006). Cũng như  người Việt, họ dùng Ja (nam) hay (nữ)  trước tên như văn hay Thị. Khi họ  trưởng thành và có  vai vế hay chức phận  trong xã  hội thì họ  được gọi theo vai vế  hay chức  danh ấy (Hồ Trung Tú:57). Họ còn tự tạo cho họ một giọng nói mà trước đó không hề có, tự chuyển sang nói tiếng Việt của người Chàm bản địa. Họ tự  nói, tự  nghe, tự  điều chỉnh, tự hiểu  cùng với người Việt cộng cư  để sản sinh giọng nói riêng biệt (ngữ  giọng) không còn giống  với nguyên gốc nào cả  nữa (giọng nói của người Quảng Nam chẳng hạn) khi họ có quan hệ với người Việt trước đó như vợ con hay làm quan ở những vùng đất thuộc về Đại Việt. Họ không hẳn bị mất gốc rễ liền vì họ vẫn giữ gìn được lề thói và phong tục của người Chàm. Cụ thể là ở những vùng như Đà Nẵng Hội An chúng ta còn thấy những người dân còn mặc y phục của người Chàm vào các năm cuối thế kỷ XVIII qua các hình của  Cristoforo  Borri hay John Barrow. Đàn ông mặc cái kama hay là cái quần không đáy (cái sarong),  vấn khăn khá to còn các bà thì mặc váy dài nhiều tầng và nhiều màu hay ở trần. (Hồ Trung Tú: 177).

Những người Việt di cư đến những vùng mà người Chàm đông dân bắt buộc họ phải hòa  mình và chấp nhận cách nói tiếng Việt của người dân bản địa từ Quảng Nam đến Phú Yên. Còn  ở những vùng mà số lượng  người Chàm ít mà người Việt di cư lại đông thì giọng nói tiếng Việt ở nơi nầy là giọng nói của gốc dân di cư. Họ  bảo lưu được chất giọng của mình cũng như ở các vùng đất được thấy từ Nam đèo ngang đến  Huế, họ tiếp nhận phương ngữ Nghệ An-Hà Tĩnh (Hồ Trung Tú: 154) hay Thanh Hóa về sau với Nguyễn Hoàng.  Còn những nét văn hoá bản sắc dân tộc Chàm, tất cả chỉ  biến mất đi từ khi có sắc chỉ tháng 9 năm mậu tý năm Minh Mạng thứ 9 (1828). Đấy là sắc chỉ nhầm cấm các đàn ông phương Nam mặc váy. Các tộc họ người Chàm như chính bản thân họ tự nhận không biết lúc nào ở thời nào mà tuy nhiên họ lại có một mối quan hệ cội nguồn xuất phát từ đất Bắc như trăm ngàn họ Việt cùng nhau sống trên mảnh đất nầy. Họ đâu còn bâng khuâng tự hỏi mình là ai nữa vì sau vài thế hệ họ đã thành người « thuần Việt » và cùng dân tộc Việt trong cuộc hành trình Nam Tiến để đến mũi Cà Mau. Có thể nói nước Chiêm Thành bị diệt vong từ đấy.

Bibliographie

Thái Văn Kiểm: Việt Nam quang hoa Editeur Xuân Thu, USA
Georges Cœdès: Cổ sử các quốc gia Ấn Độ Hóa ở Viễn Đông. NXB Thế Giới năm 2011
Pierre-Yves Manguin: L’introduction de l’islam au Champa. Études chames II. BEFEO. Vol 66 pp 255-287. 1979
Pierre-Yves Manguin: Une relation ibérique du Champa en 1595. Études chames IV. BEFEO  vol 70 pp. 253-269
Ngô văn Doanh: Văn hóa cổ Chămpa. NXB Dân tộc 2002.
Hồ Trung Tú: Có 500 năm như thế. NXB Đà Nẵng 2017.
Agnès de Féo: Les Chams, l’islam et la revendication identitaire. EPHE IVème section.2004
Thái Văn Kiểm: Panorama de la musique classique vietnamienne. Des origines à nos jours.  BSEI, Nouvelle Série, Tome 39, N° 1, 1964.
Thurgood Graham: From Ancient Cham to modern dialects . Two thousand years of langage contact and change. University of Hawai Press, Honolulu. 1999
Trần Trọng Kim: Việtnam sử lược, Hànội, Imprimerie Vĩnh Thanh 1928.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Nhà xuất bản Thời Đại. Năm 2013.

Laisser un commentaire

Votre adresse e-mail ne sera pas publiée. Les champs obligatoires sont indiqués avec *

Ce site utilise Akismet pour réduire les indésirables. En savoir plus sur comment les données de vos commentaires sont utilisées.